(DL) - Như Báo Du lịch đã thông tin, vừa qua, tại tỉnh Quảng Ninh đã diễn ra cuộc họp chấn chỉnh hoạt động lữ hành ở Móng Cái dưới sự chủ...
(DL) - Như Báo Du lịch đã thông tin, vừa qua, tại tỉnh Quảng Ninh đã diễn ra cuộc họp chấn chỉnh hoạt động lữ hành ở Móng Cái dưới sự chủ trì của lãnh đạo TCDL và UBND tỉnh Quảng Ninh.
Những trăn trở của doanh nghiệp
Tại cuộc họp ngày 7/8/2012 tại Quảng Ninh, báo cáo của Sở VHTTDL Quảng Ninh và CLB Lữ hành Móng Cái đã làm nóng hội trường bằng sự bày tỏ ý kiến đồng nhất quan điểm của lãnh đạo các doanh nghiệp (DN) tham gia cuộc họp về những tồn đọng, hạn chế cần phải khắc phục, tháo gỡ trong hoạt động lữ hành đón khách Trung Quốc tại cửa khẩu Móng Cái.
Tình trạng lộn xộn trong hoạt động lữ hành đón khách Trung Quốc ở cửa khẩu Móng Cái đã diễn ra nhiều năm, gây nhiều bức xúc trong dư luận cũng như cộng đồng DN làm ăn chân chính. Trước tình hình đó, Thanh tra Bộ VHTTDL, lãnh đạo TCDL, Vụ Lữ hành TCDL, UBND tỉnh Quảng Ninh, Sở VHTTDL Quảng Ninh, Cục Xuất nhập cảnh Bộ Công an, Cục Cửa khẩu Bộ tư lệnh Bộ đội biên phòng… đã cùng khảo sát tìm hiểu cụ thể nhằm đưa ra những giải pháp chấn chỉnh. Thêm nữa, đáp ứng nguyện vọng và đề xuất hợp lý của các DN kinh doanh lữ hành ở Móng Cái cũng như Sở VHTTDL Quảng Ninh, mô hình CLB đón khách du lịch Trung Quốc ở Móng Cái (CLBLH Móng Cái) ra đời. Tuy nhiên, công tác quản lý của địa phương đã thiếu sự sâu sát, một lần nữa để sự non nớt của CLBLH Móng Cái tự bươn chải, dẫn đến sự phức tạp thêm tình hình.
Về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Minh Thu – Giám đốc Công ty TNHH Mê Kông cho rằng: “Sự giám sát của Sở VHTTDL Quảng Ninh chưa rõ nét. Tại sao trong một thời gian dài chúng ta để cho thị trường này bị lũng đoạn?”. Ông Lý Môn – TGĐ Công ty CP Du lịch Hạ Long cho rằng, các DN làm ăn chụp giật đã thu 80 nhân dân tệ/khách khi giao khách cho hướng dẫn viên (HDV), điều này dẫn đến việc HDV tìm cách lừa đảo khách để có tiền nộp cho công ty chủ quản.
Ông Nguyễn Thế Huệ - Giám đốc Công ty TNHHMTV Du lịch – Dịch vụ Hữu Nghị chỉ ra những thực tế nhức nhối, đau lòng. Thực tế ấy không chỉ ảnh hưởng đến ngành Du lịch mà còn tác động đến lợi ích kinh tế, chính trị, xã hội của nhiều cấp ngành; có nguy cơ ảnh hưởng đến an ninh biên giới, chủ quyền quốc gia: “Một thực tế diễn ra trong thời gian khá dài, các HDV phía Trung Quốc cấu kết với một số đối tượng tại Đông Hưng, đi theo các đoàn khách vào Việt Nam với danh nghĩa trưởng đoàn, bắt ép khách vào cửa hàng Gia Lợi và Đông Phương của người Trung Quốc ở Móng Cái để mua hàng với giá gấp vài chục lần giá trị thực tế, lừa dối khách đó là cửa hàng miễn thuế của Việt Nam; khách phát hiện hàng kém chất lượng cũng không được trả lại. Điều bất hợp lý đó lại diễn ra một cách ngang nhiên trước mắt HDV và điều hành của các doanh nghiệp Việt Nam, nếu bị phản ứng sẽ bị quỵt tiền, cắt tour… Các DN Trung Quốc còn ăn chặn giá tour, cắt xén dịch vụ khi giao khách cho DN Việt Nam nên hầu hết đoàn khách đều phàn nàn, kiện cáo bị lừa khi về nước, làm cho hình ảnh Du lịch Việt Nam bị bóp méo.”
Phó Tổng cục trưởng TCDL Nguyễn Mạnh Cường nhận định, vấn đề lộn xộn trong việc đón khách Trung Quốc ở Móng Cái là không mới, nhưng hết sức trăn trở, bức xúc. Và việc khai sinh ra CLBLH Móng Cái là quá trình hết sức công phu nhằm chấn chỉnh hoạt động lộn xộn đó. “Lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh cần tiếp tục khẳng định mô hình CLB Lữ hành đón khách Trung Quốc tại Móng Cái; Đề nghị Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng, Cục Xuất nhập cảnh – Bộ Công an, UBND tỉnh Quảng Ninh chỉ đạo thực hiện việc kiên quyết không cho DN ngoài CLBLH Móng Cái đón khách, đồng thời chịu trách nhiệm và báo cáo Chính phủ; CLBLH Móng Cái cũng phải chỉnh sửa, bổ sung, hoàn chỉnh mô hình CLB; chỉnh sửa quy chế hoạt động, thể chế hóa chi tiết chế tài xử lý vi phạm và nên có lộ trình thời gian, không nên kéo dài” - Phó Tổng cục trưởng đề nghị và nhấn mạnh: “Đây là biện pháp của Trung ương chấn chỉnh việc lộn xộn trong việc đón khách Trung Quốc ở Móng Cái trong thời gian này để có sự đồng thuận của các DN, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, hình ảnh Du lịch Việt Nam, các cơ quan quản lý và chính các DN”.
“Tổ chức tour trọn gói là yêu cầu bắt buộc”
Để chấn chỉnh sự lộn xộn trong hoạt động lữ hành tại Móng Cái, các cơ quan quản lý nhà nước đã ngồi lại với nhau, có sự thống nhất về văn bản để cho ra đời CLBLH Móng Cái. TCDL cũng đã có công văn đề nghị TCAN I & II – Bộ Công an và Cục Cửa khẩu Bộ tư lệnh Bộ đội biên phòng quan tâm hỗ trợ CLBLH Móng Cái theo hướng chỉ cho phép các DN thuộc CLBLH Móng Cái đón khách; hướng dẫn, tạo điều kiện cho các DN ngoài CLB có nguyện vọng tham gia trở thành thành viên CLB và được sự đồng thuận, ủng hộ cao của các cơ quan trên.
Tuy nhiên, trên thực tế, CLBLH Móng Cái đã phải tự bơi trước sự cạnh tranh không lành mạnh của các DN ngoài CLB, trong sự “nổi loạn” không tuân thủ các cam kết của một số DN trong CLBLH Móng Cái. Sở VHTTDL Quảng Ninh đã không không có sự giám sát chặt chẽ, cơ quan Công an và Bộ đội Biên phòng địa phương đã không tiếp thu đầy đủ ý kiến chỉ đạo của cơ quan cấp trên cùng ngành. Điều này thể hiện rõ ở số lượng khách Trung Quốc được 10 DN ngoài CLBLH Móng Cái đón trong 6 tháng đầu năm 2012 chiếm hơn 45% tổng số khách các DN trong CLBLH Móng Cái đón được; trong đó 4 DN đón đến 66% tổng lượng khách CLBLH Móng Cái đón được.
Phó chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng Quảng Ninh Đinh Trọng Ngọc cho rằng, phải nhất thiết ngồi lại với phía Trung Quốc để giải quyết vấn đề. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Vũ Thị Thu Thủy cho rằng, du khách có đầy đủ thủ tục nhập cảnh thì bộ đội biên phòng cửa khẩu không thể dừng việc nhập cảnh của họ. Mặt khác, việc quy định và áp dụng giá sàn cho tour cũng là điều khó thực hiện, vì theo ông Mạc Thành Luân, Phó Giám đốc Sở Tài chính Quảng Ninh: “Pháp lệnh về giá không quy định bắt buộc, tour du lịch không phải là sản phẩm hàng hóa phải kê khai và đăng ký. Pháp luật cũng chưa có chế tài xử lý việc phá giá.”
Tuy thế, không phải là không có cách. Theo Phó Tổng cục trưởng TCDL Nguyễn Mạnh Cường, kinh nghiệm từ một số nước trên thế giới, xem Trung Quốc là một đối tác đặc biệt, nên phải áp dụng biện pháp đặc biệt, áp dụng giá sàn cho các DN đối tác phía Trung Quốc; đồng thời quy định mọi dịch vụ đều thanh toán qua ngân hàng, chỉ trừ một số hạn chế nhỏ. Khi các ban ngành đồng tình, các DN đồng tình thì việc giải quyết giá sàn sẽ đơn giản, chính là khuyến khích việc đảm bảo giá. Phó Tổng cục trưởng khẳng định: “Việc tổ chức tour trọn gói là yêu cầu bắt buộc khi cấp phép kinh doanh lữ hành quốc tế, nên nếu DN không thực hiện là vi phạm”.
Rõ ràng, các ban ngành Quảng Ninh không sai. Nhưng thực tế, hai vấn đề mấu chốt để xử lý hoạt kinh doanh lữ hành lộn xộn tại Móng Cái để lập lại trật tự, là làm thế nào để chỉ có DN trong CLBLH Móng Cái mới được phép đón khách và quy định mức giá sàn cho tour thì các ban ngành địa phương đều né tránh.
Thiết nghĩ, lãnh đạo địa phương, ngành Du lịch địa phương, các ban ngành liên quan của địa phương ủng hộ sự ra đời của CLBLH Móng Cái, thì cũng nên có sự hỗ trợ thiết thực hơn nữa để CLB hoạt động ngày càng hiệu quả, sớm góp phần chấn chỉnh tình trạng lộn xộn trong hoạt động kinh doanh lữ hành đón khách Trung Quốc ở cửa khẩu Móng Cái. Hơn thế, đó là bảo vệ sự tôn nghiêm của một bộ máy chính quyền tại địa phương.
Phước Hà
GÓP Ý