Để ổn định dân cư, phát triển KT-XH, đảm bảo QP-AN tuyến biên giới, từ năm 1991 đến nay, TP Móng Cái đã tiếp nhận, thực hiện 3 dự án di dân...
Để ổn định dân cư, phát triển KT-XH, đảm bảo QP-AN tuyến biên giới, từ năm 1991 đến nay, TP Móng Cái đã tiếp nhận, thực hiện 3 dự án di dân với tổng số 1.437 hộ, 5.637 khẩu, 3.027 lao động. Qua đó đã sắp xếp, ổn định dân cư dọc tuyến biên giới theo từng thôn, bản thành phên giậu vững chắc nơi biên cương.

Các gia đình thuộc Dự án di dân Bắc Hải Sơn được Nhà nước đầu tư xây dựng nhà ở trên quê hương mới.
Các dự án di dân nói trên gồm: Dự án Hải Hoà - Hải Yên; Dự án Bắc Hải Sơn và kinh tế quốc phòng Bắc Hải Sơn; Dự án kinh tế quốc phòng Lục Lầm - Hải Hoà. Trong các dự án trên, người dân tỉnh ngoài di cư đến là 917 hộ, 3.717 khẩu, 2.014 lao động (chủ yếu từ các tỉnh Nam Định, Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên).
Ngoài 8 hộ ở Dự án kinh tế quốc phòng Bắc Hải Sơn tự ý bỏ vào các phường trung tâm sinh sống, 92 hộ ở Dự án kinh tế quốc phòng Lục Lầm - Hải Hoà đã được xây nhà nhưng do không có nước ngọt và điện sinh hoạt nên bỏ về, số hộ dân còn lại đều yên tâm lao động sản xuất, ổn định đời sống. Số dân di giãn nội tỉnh là 447 hộ, 1.740 khẩu, 879 lao động; các hộ này cũng vẫn yên tâm sinh sống ổn định ở nơi ở mới. Di dân nội huyện và nội xã chiếm số lượng ít (73 hộ), và có thể khẳng định là tất cả các hộ này đều yên tâm lao động sản xuất.
Dự án di dân ra Hải Hoà - Hải Yên do Chi cục Phát triển nông thôn Quảng Ninh quản lý, được thực hiện từ 1991-1995 với quy mô xây dựng 709 nhà ở (24m2/nhà) để bàn giao cho các hộ. Dự án này chủ yếu phục vụ chương trình di dân từ tỉnh ngoài (646 hộ) ra các xã Hải Hoà, Hải Yên lập nghiệp. Dự án đã bàn giao 709 nhà ở cho các hộ dân; các gia đình được di dân trong dự án này đã yên tâm gắn bó, xây dựng quê hương mới. Các hộ dân đến đây chủ yếu làm nông nghiệp và kinh doanh nhỏ.
Dự án di dân ra Lục Lầm - Hải Hoà do Lâm trường 27 (Đoàn Kinh tế quốc phòng 327) thực hiện từ năm 2003 đến 2010. Triển khai dự án, Lâm trường 27 đã xây dựng 305 ngôi nhà (35m2/nhà) để đón 244 hộ ở tỉnh ngoài; 43 hộ ở các huyện Đông Triều, Uông Bí, Hải Hà, Yên Hưng; 33 hộ nội huyện và 30 hộ nội xã đến sinh sống, lao động sản xuất để xây dựng và bảo vệ vùng biên giới. Ngoài 92 hộ phải chuyển về do nơi ở không có nước ngọt và điện sinh hoạt, số hộ còn lại vẫn yên tâm, gắn bó với quê hương mới, tích cực lao động sản xuất và tham gia bảo vệ vững chắc đường biên, cột mốc của Tổ quốc.
Dự án Bắc Hải Sơn (1993-1998) và kinh tế quốc phòng Bắc Hải Sơn (1998-2010) có thời gian triển khai lâu nhất. Dự án này do một đơn vị khác của Đoàn Kinh tế quốc phòng 327 là Lâm trường 42 thực hiện. Trong khoảng thời gian hơn 15 năm triển khai dự án, Lâm trường 42 đã xây dựng 378 ngôi nhà (35m2/nhà).
Dự án này phục vụ chương trình di dân 229 hộ theo kế hoạch của tỉnh; 79 hộ còn lại là di dân tại chỗ. Sau khi được bàn giao nhà và đất canh tác, được sự hỗ trợ, giúp đỡ của chính quyền, đoàn thể, nhân dân địa phương và đơn vị thực hiện dự án, các hộ dân kinh tế mới đã nhanh chóng ổn định cuộc sống, tích cực sản xuất nông nghiệp và trồng rừng.
Theo đánh giá của UBND TP Móng Cái, thực hiện chương trình di dân, TP Móng Cái và các đơn vị thực hiện dự án đã tổ chức sắp xếp dân cư dọc tuyến thành phên dậu vững chắc nơi biên giới. Các hộ dân đã yên tâm sản xuất, ổn định cuộc sống lâu dài trên quê hương mới; đã khai hoang, phục hoá cơ bản hết diện tích đất bãi hoang để đưa vào sản xuất, góp phần tăng trưởng kinh tế các xã, phường biên giới của TP Móng Cái.
Cùng với đó, nhân dân nơi đây đã tích cực, chủ động tham gia giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa bàn dân cư, giữ vững chủ quyền an ninh biên giới. Tuy đã được quan tâm nhưng sự đầu tư chưa đồng bộ, vốn đầu tư chưa nhiều, không ít hộ còn có tư tưởng trông chờ vào sự giúp đỡ của Nhà nước nên đời sống vật chất, tinh thần của nhiều hộ vẫn còn khó khăn, thấp kém.
Để khắc phục hạn chế này, ngoài sự tiếp tục quan tâm đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước, sự giúp đỡ của chính quyền và các đoàn thể địa phương, không ai khác, chính những hộ dân kinh tế mới phải thay đổi tư duy, nếp nghĩ, cách làm để tự mình vươn lên làm giàu, thay đổi cuộc sống của mình nơi biên cương.
Hiện nay, TP Móng Cái đang triển khai các dự án xây dựng đô thị mới dọc tuyến biên giới để thu hút nhân dân ra định cư sát bờ sông biên giới. Những khu đô thị này nằm sát trung tâm thành phố, thuận lợi trong việc giao thương nên hứa hẹn sẽ là những khu dân cư, khu dịch vụ hiện đại, đông đúc. Chỉ vài năm nữa, TP Móng Cái sẽ có những khu đô thị sầm uất, hiện đại bên bờ sông Bắc Luân, giống như phía Trung Quốc đã xây dựng ở phía bên kia sông thuộc TX Đông Hưng.
Các khu dân cư kinh tế mới ở Hải Hoà, Hải Yên do vị trí địa lý thuận lợi nên hiện đang phát triển mạnh, đời sống nhân dân ngày càng khấm khá. TP Móng Cái cần quan tâm nhiều hơn đến việc đầu tư về hạ tầng, hỗ trợ nhân dân khu vực các xã vùng sơn khu gồm Bắc Sơn, Hải Sơn trong sản xuất để nâng cao đời sống nhân dân nơi đây.
Có như vậy, KT-XH các xã này mới phát triển, đời sống đồng bào các dân tộc ở đây mới khấm khá lên, từ đó nhân dân sẽ yên tâm gắn bó với quê hương mới, tích cực hơn trong việc tham gia giữ vững chủ quyền biên giới, lãnh thổ quốc gia.
Theo Ngọc Hà / Báo Quảng Ninh