Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng thị xã Móng Cái giai đoạn 2007 đến 2025 và tầm nhìn ngoài 2025 được UBND tỉnh giao cho Ban Quản lý...

Mặc dù những người tham gia xây dựng đã có nhiều cố gắng để thể hiện những đường nét cơ bản của một đô thị mới và những người có trách nhiệm cũng đã xem xét bổ sung nhiều lần, nhưng nếu ai có điều kiện tiếp cận với Đồ án nói trên vẫn không khỏi băn khoăn về một số nội dung đã được đưa ra, đặc biệt là những nội dung liên quan đến định hướng phát triển Du lịch.
Băn khoăn đầu tiên nằm ngay tại phần đánh giá tiềm năng phát triển du lịch. Theo các nhà điều chỉnh quy hoạch, khu vực Trà Cổ - Bình Ngọc, với bãi biển cát trắng rộng dài tới 17 km, độ dốc thoải, môi trường trong lành, hệ sinh thái đa dạng còn khá hoang sơ, được đánh giá là một trong những bãi tắm đẹp của cả nước và được kết luận là rất thích hợp để phát triển du lịch sinh thái. Đến phần định hướng phát triển không gian xã Bình Ngọc, khu vực Trà Cổ - Bình Ngọc lại được định hướng phát triển thành khu du lịch sinh thái biển và cũng tại phần này, liên quan đến việc định hướng phát triển cho phần diện tích đất thuộc xã Hải Xuân (Dành cho việc xây dựng khu đô thị sinh thái hồ Mắn Thí), khu vực Trà Cổ - Bình Ngọc lại được định hướng phát triển thành khu du lịch biển... Rõ ràng, với những tên gọi, nội dung, mục tiêu phát triển khác nhau cho cùng một địa danh như trên (Cho dù phần nào đó có sự bao hàm, lồng ghép...) nhưng nó vẫn khiến người ta băn khoăn bởi những người xây dựng đồ án quy hoạch đã không xác định được mục tiêu tổng quát và nhất quán cho khu vực này.
Sự thiếu nhất quán nói trên còn được bộc lộ rõ hơn trong phần định hướng tổ chức không gian khu đô thị Trà Cổ - Bình Ngọc. Với tiêu chí lấy du lịch biển làm trọng tâm phát triển du lịch của thị xã, khu vực Trà Cổ - Bình Ngọc sẽ tiếp tục phát triển thành Trung tâm dịch vụ du lịch. Như vậy, trên cùng một địa danh Trà Cổ - Bình Ngọc nhưng có tới 4 định hướng phát triển du lịch khác nhau?
Tiêu điểm của sự thiếu nhất quán trong định hướng này được thể hiện tại phần 4.2.2/ Phân khu chức năng đô thị (Mục C/ Các khu du lịch - trang 29). Tại đây, Trà Cổ lại được định hướng phát triển du lịch biển với những chức năng như sau: Bảo tồn tối đa cảnh quan thiên nhiên và môi trường sinh thái của khu vực, phát triển du lịch sinh thái biển. Trên nền tảng của các làng dân cư hiện trạng quy hoạch phát triển mô hình làng sinh thái du lịch ven biển để người dân tham gia làm dịch vụ du lịch...
Đã từ lâu, tên gọi Trà Cổ đồng nghĩa với một khu du lịch nơi địa đầu vùng Đông - Bắc của Tổ quốc, nằm trong tổng thể liên hoàn của một đô thị vùng biên năng động, có tốc độ giao lưu hội nhập quốc tế nhanh mà chỉ được định hướng phát triển chức năng du lịch như trên thì quả thật còn rất sơ sài và có thể nói là thiếu chính xác.
Băn khoăn lớn hơn nữa đối với quy hoạch phát triển du lịch trong đồ án điều chỉnh này là toàn bộ ý tưởng về phân khu chức năng cho các khu du lịch tại Móng Cái được thể hiện trên 6 nội dung thì có tới 4 nội dung được ưu tiên hàng đầu chuyên về khai thác loại hình du lịch sinh thái. Định hướng phân khu chức năng như vậy hoàn toàn mâu thuẫn với phần trình bày trước đó (Trang 26) do chính các tác giả đưa ra: lấy du lịch biển là trọng tâm phát triển du lịch của thị xã.
Với những gì đã thể hiện, có thể nhận thấy những người xây dựng đồ án điều chỉnh quy hoạch này chưa hề đưa ra được định hướng chiến lược cho việc phát triển tổng thể du lịch trên địa bàn cũng như còn rất lúng túng và thiếu nhất quán trong việc định hướng phát triển không gian du lịch. Trong phần xác định chức năng của từng khu vực, những người xây dựng đồ án đã quá nhấn mạnh vai trò của du lịch sinh thái nhưng lại bỏ quên những tài nguyên du lịch cơ bản nhất và những đặc trưng phát triển điển hình của thị xã Móng Cái trong tương lai. Chính vì vậy, định hướng phân khu chức năng nói trên hình như sẽ phù hợp hơn khi nói về Vườn Quốc gia Bái Tử Long - Vân Đồn và quần thể Yên Tử - Uông Bí (?).
Để định hướng chính xác cho việc phát triển các loại hình du lịch, gắn liền với quy hoạch quỹ đất xây dựng các công trình, dự án có liên quan, thiết nghĩ cần phải quan tâm tới những tài nguyên, những tiềm năng phát triển du lịch của địa phương và những tiêu chí, những đặc trưng của đô thị Móng Cái trong tương lai. Dưới góc độ du lịch, bất kỳ một chuyên gia nào cũng không thể bỏ qua vai trò nổi bật và là đặc trưng lớn nhất của Móng Cái là bãi biển Trà Cổ với không gian trải dài 17 km. Chính vì vậy, các loại hình du lịch biển như tắm biển, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí, thể thao biển v.v.. phải được đặt lên hàng đầu. Tuy nhiên, do tác động của thời tiết lạnh trong mùa đông, các dự án phát triển du lịch tại Móng Cái cần được tính toán kỹ để khắc phục tính mùa vụ. Theo đó, cơ hội phát triển các loại hình du lịch tham quan, nghiên cứu văn hoá, lịch sử và du lịch sinh thái có thể được khai thác quanh năm gắn liền với địa danh “Địa đầu Tổ quốc”, hệ thống các di tích lịch sử văn hoá có giá trị và các tiềm năng phát triển du lịch sinh thái trên địa bàn.
Đặc biệt; việc điều chỉnh quy hoạch với tầm nhìn đến ngoài năm 2025 sẽ phải nhìn nhận thị xã Móng Cái như một đô thị lớn (Thành phố trực thuộc tỉnh) với đầy đủ những đặc thù của một trung tâm thương mại vùng biên, có cửa khẩu quốc tế giao lưu trực tiếp với một quốc gia phát triển năng động nhất thế giới. Đô thị ấy phải là một đô thị hiện đại, mang tính quốc tế và tính hội nhập cao. Đây chính là những yếu tố quan trọng nhất, quyết định xu hướng phát triển của các loại hình du lịch, dịch vụ trên địa bàn. Những tiêu chí nói trên tất yếu sẽ đi liền với việc cần phải quy hoạch xây dựng những cơ sở dịch vụ và những thiết chế phù hợp cho một đô thị mang tính Động hơn là một đô thị Tĩnh. Nói cách khác, Móng Cái phải là một đô thị mang tính đối ngoại, năng động.
Trên cơ sở ấy, Móng Cái thực sự cần có thêm các công trình kiến trúc hiện đại để tổ chức các loại hình du lịch hội chợ, hội nghị, hội thảo mang tầm quốc tế; xây dựng trung tâm tổ chức các sự kiện quốc tế với hệ thống dịch vụ chất lượng cao; phát triển các trung tâm thương mại, tài chính, dịch thuật và các loại hình vui chơi giải trí công nghệ hiện đại v.v... Đi kèm với những yếu tố trên là những công trình văn hoá lớn, diện mạo đô thị hiện đại và môi trường được đảm bảo phát triển bền vững.
Còn nhớ, để định hướng cho chiến lược phát triển du lịch trên địa bàn, cách đây không lâu, chính những người làm du lịch tại Móng Cái đã đưa ra 4 loại hình phát triển đặc trưng dưới tên gọi rất ấn tượng là Tứ DU (Du Hải - Du Thị - Du Ngoại - Du Sơn). Cho tới hôm nay, định hướng phát triển nói trên hình như vẫn còn rất nhiều ý nghĩa. Tuy nhiên, Tứ Du nói trên cần được hiểu rộng hơn và bổ sung thêm những chức năng mới; đó là: Du Hải - Phát triển các loại hình du lịch biển: tắm biển, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí, thể thao biển, sinh thái biển v.v... Du Thị - Mở rộng và thu hút các loại hình du lịch nội đô như thương mại, mua bán (Shoping); tham quan thành phố và các công trình văn hoá (City Tours); hội chợ, hội nghị, hội thảo trong nước và quốc tế; các hoạt động vui chơi giải trí; các dịch vụ tài chính, ngân hàng, dịch thuật v.v... Du Ngoại - Phát triển du lịch lữ hành quốc tế như: Tổ chức các tour du lịch đường bộ, đường biển sang thị trường Trung Quốc, quá cảnh nước thứ ba và ngược lại; tổ chức đầu mối cung ứng các dịch vụ xuất nhập cảnh v.v... Và Du Sơn - Xây dựng và tổ chức các hoạt động du lịch sinh thái: rừng - núi, rừng - hồ, rừng - biển, biển - đảo và cộng đồng... Thiết nghĩ đây là những gợi mở rất đáng lưu tâm khi xây dựng quy hoạch điều chỉnh chung cho thị xã Móng Cái trong việc định hướng phát triển du lịch!
GÓP Ý